Giun đầu búa, một loại giun có hình thù và tập tính kỳ lạ
Giun đầu búa trong tiếng Anh là “Hammerhead worms” vì hình dạng dầu của bọn chúng chẻ đôi ra và bè nhìn trông như một cái búa. Chắc hẳn các bạn cũng biết các mập đầu búa, giun đầu búa cũng cái đầu tương tự như vậy. Chúng là các loài thuộc giống Bipalium, họ Geoplanidae, họ này thường được biết với loài giun dẹp trên cạn. Bipalium trong tiếng Latin có nghĩa là đôi xẻng hay đôi thuổng, ngụ ý là cái đầu các loài giun này giống như hai cái xẻng hoặc hai cái thuổng gắn với nhau (với “bi” có nghĩa là cặp, đôi, hai trong tiếng Latin và, “palium” là tính từ của “pala” nghĩa là cái xẻng hoặc cái thuổng). Mình cũng mới biết là cái thuổng là một cái dụng cụ đào đất với cái đầu tròn trông khá giống một cạnh bên của cái đầu con giun này.
Hình 1a. Một con giun đầu búa được tìm thấy ở vùng Chennai Ấn Độ. Đăng bởi നവനീത് കൃഷ്ണന് എസ് - Ảnh tự chụp, CC BY-SA 3.0, nguồn truy xuất tại đây
Giun đầu búa, ưa sống trong các môi trường nhiệt đới và cận nhiệt đới như tại Brazil, Ấn Độ, Đông Nam Á, tuy nhiên chúng là một loài xâm lấn hay còn gọi là các loài ngoại lai xâm hại, hiện chúng đã có mặt ở nhiều vùng lãnh thổ có khí hậu ôn đới. Chúng thích hợp với nhưng nơi có ẩm độ cao nên tại vùng núi cao và sa mạc thường hiếm khi tìm thấy (hoặc thậm chí không có) giun đầu búa. Chúng cũng là loài nhạy cảm với ánh sáng, nên thường đi kiếm ăn vào ban đêm. Các địa điểm ưa thích của các giun đầu búa là nơi ẩm thấp, mát mẻ, ánh sáng yếu thường là dưới các tảng đá, khúc gỗ cây,…
Các giun đầu búa là loài ăn thịt, con mồi của các loài này là giun đất, ốc sên, ấu trùng các loài côn trùng và đôi khi chúng cũng ăn thịt đồng loại. Các loài giun này phát hiện con mồi thông qua các thụ thể hóa học được định vị ở ngay dưới phần đầu. Khi tiếp cận con mồi chúng ép con mồi vào gốc và tiết ra chất nhầy để làm cho con mồi bị dính lại. Khi bất động, chúng tiết ra các enzyme tiêu hóa, để làm lỏng xác con mồi rồi từ từ ăn (hay đúng hơn uống) phần hóa lỏng ấy. Và điểm đặc biệt là, khi tiêu hóa xong miệng của chúng cũng là nơi bài tiết chất thải. Ngoài ra chúng dư trữ thức ăn trong các không bào thuộc các tế bào biểu mô tiêu hóa, và khi điều kiện sống bất lợi chúng tự ăn mô của bản thân để “cứu đói”.
Mọi loài giun đầu búa có thể sinh sản hữu tính vì chúng là loài lưỡng tính, tức là mỗi cá thể vừa có các tinh hoàn và buồng trứng để tự thụ, ngoài ra chúng có thể trao đổi giao tử với nhau thông qua các dịch tiết. Trứng được thụ tinh hình thành bên trong cơ thể giun và được bài thải ra ngoài dưới dạng nang trứng. Sau ba tuần, trứng nở và giun dần trưởng thành. Ngoài ra một hình thức sinh sản khác phổ biến hơn đó chính là, sinh sản vô tính. Chúng được xem là loài gần như bất tử, khi có khả năng tạo ra cả thể mới từ các mảnh của cơ thể mình, một mẫu đuôi cũng có thể phát triển thành một cá thể giun hoàn chỉnh. Khi giun bị cắt ra làm nhiều mảnh, các mảnh này có thể phát triển thành những con giun đầu búa trưởng thành chỉ sau vài tuần. Thậm chí giun bị tổn thương mô cũng nhanh chóng hồi phục.
Giun đầu búa là loài xâm lấn, tuy không ảnh hưởng đến hệ thống thực vật, nhưng chúng làm ảnh hưởng rất lớn đến loài giun đất, vốn được xem là có lợi cho cây trồng nhờ chất thải và khả năng làm tơi xốp đất của bọn chúng. Giun đất là con mồi chủ yếu của giun đầu búa, giun đầu búa lại không có kẻ thù tự nhiên nhiều vì thế số lượng giun đất sẽ ngày càng giảm khi quẩn thể giun đầu búa lớn mạnh.
Fun facts:
- Một số loài giun đầu búa có chứa chất rất độc đó là tetrodotoxin, một chất độc thần kinh cực kỳ mạnh. Hiện nay hai loài Bipadium adventitium and B. kewense được ghi nhận là có độc. Chất độc này làm con mồi bị tê liệt và gây khó khăn cho các loài khắc chế giun đầu búa. Tuy vậy, giun đầu búa không cắn truyền chất độc được, con người, thú nuôi thường bị nhiễm độc khi tiếp xúc qua đường miệng và niêm mạc mắt.
- Chúng ta có thể tiêu diệt loài này bằng cách bắt chúng bỏ vào lọ và phơi nắng, do chúng nhạy cảm với ánh sáng, hoặc đổ muối ăn vào để làm chúng mất nước.Hình 2. Giống giun Bipalium kewense. Nguồn ảnh: PvilleSteve - Tự chụp, CC BY-SA 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=40853111
1. Stokes, A. N.; Ducey, P. K.; Neuman-Lee, L.; Hanifin, C. T.; French, S. S.; Pfrender, M. E.; Brodie, E. D.; Brodie Jr., E. D. (2014). "Confirmation and Distribution of Tetrodotoxin for the First Time in Terrestrial Invertebrates: Two Terrestrial Flatworm Species (Bipalium adventitium and Bipalium kewense)". PLOS ONE. 9 (6): e100718. Bibcode:2014PLoSO...9j0718S. doi:10.1371/journal.pone.0100718. PMC 4070999. PMID 24963791
2. Toxic hammerhead worms; expert provides advice for dealing with the invasive species at home, Virginia Tech News | Virginia Tech. (2023, August 15). link of article
3.Anne, H. M. (2019, December 8). Horrifying hammerhead worm facts. ThoughtCo. link of article
Nhận xét
Đăng nhận xét