Sơ cấp cứu chó - mèo khi vừa tiếp xúc chất độc (Phần I)
Chó - mèo giống như những đứa trẻ không bao giờ lớn vậy, đa phần mấy đứa nó tò mò và hay nghịch ngợm. Vì tập tính như vậy, chó - mèo dễ tiếp xúc hoặc vô tình ăn phải các vật chất có độc tính cao. Đặc biệt tại Việt Nam, tình trạng bả chó - mèo (sử dụng chất độc tẩm trong đồ ăn để bẫy) xảy ra rất nhiều, gây nên nhiều ca mất mát rất đáng thương. Chó nhà mình cũng mất vì bị bả chó, khi nó ăn phải bã ba mẹ mình lại không biết cách xử trí cho phù hợp nên dẫn đến việc nó chết trong đau đớn. Theo mình, trong các ca ngộ độc, việc xử trí ban đầu là hết sức quan trọng, vì thời gian chất độc ở trong cơ thể càng lâu, các triệu chứng cũng như tác động ngày càng trầm trọng. Trong bài viết này mình sẽ phân tích một số góc cạnh về độc chất học trên chó -mèo cũng như giới thiệu cho các bạn một số biện pháp sơ cấp cứu tại chỗ khi ngộ độc dành cho chó - mèo, trước khi kịp gửi đi các cơ sở thú y để cấp cứu. Bài viết sẽ có nhiều điểm tiếp cận như từ việc nhận định triệu chứng, hành vi bất thường của chó - mèo bị nhiễm độc, các quyết định để đi đến việc có nên sơ cấp cứu tại chỗ hay không cũng như các phương pháp khoa học nhất để thực hiện. Bài viết được chia làm hai phần: Phần một gồm những khái niệm cơ bản trong việc ngộ độc trên chó - mèo; phần hai là những phương pháp xử trí ban đầu khi chó - mèo bị ngộ độc
Ảnh minh họa, truy xuất nguồn tại đây
Tổng quan về ngộ độc
Nói về nguồn gây ngộ độc trên chó và mèo thông thường nhất phải kể đến việc ăn bậy hoặc ăn nhầm loại thức ăn có độc tính với loài đó hoặc thức ăn nhiễm phải chất độc. Tại Mỹ, theo báo cáo phòng Thí Nghiệm Chuẩn Đoán Thú Y bang Kansas về việc phơi nhiễm các chất có khả năng gây độc ở chó và mèo với dữ liệu lên đến 1,616 cuộc gọi trong liên tục 3 năm (từ 2009-2012) cho thấy chó được báo cáo ngộ độc nhiều hơn với tỷ lệ là 84,7% so với mèo là 15,3%, trong đó tỷ lệ chó và mèo ngộ độc thông qua con đường ăn uống chiếm đến 95,5% so với các con đường khác [1]. Các nguồn dẫn đến sự cố về ăn uống này có thể đến từ nhiều nơi, từ thức ăn bị mốc, ôi thiu, các đồ ăn của con người như độc với chó và mèo (ví dụ như sô-cô-la (choccolate) là đồ ăn của con người nhưng lại rất độc ở chó), nước nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc viên, các vũng nước quanh nhà, các loại cây cỏ và thậm chí là có trường hợp chó ăn phải côn trùng hay động vật có độc, ví dụ như đã có trường hợp một chú chó ăn phải một con cóc và bị tử vong do ngộ độc với các độc tố trong nội tạng của cóc.
Vậy tại sao xảy ra trên chó nhiều hơn? Theo lập luận của mình là vì các loài chó thường hoạt động ngoài trời nhiều hơn, hay tò mò và nghịch phá, đồng thời có những chú chó lại rất thích ăn vụng hoặc ăn bậy. Nghiên cứu ở trên [1] cũng chỉ ra nữa là thông thường các sự kiện ngộ độc thường xảy ra ở mùa hè, mùa mà tại Mỹ côn trùng và các loại cây cỏ sinh trưởng mạnh mẽ, các vi trùng cũng phát triển nhanh hơn, nên khả năng tiếp cận với nguồn chất có tiềm năng gây độc cao hơn và dĩ nhiên là sẽ đặc biệt cao với các chú chó chạy tung tăng ngoài vườn rồi. So với tập tính của mèo, vốn cẩn thận và đề phòng thì khả năng bị ngộ độc thấp hơn. Tại Việt Nam, chúng ta không có mua hè rõ rệt mà thường nóng ẩm quanh năm, đây là điều kiện tốt cho các yếu tố gây độc kể trên
Ngoài con đường ăn uống, còn có thể kể đến các con đường ngộ độc khác như bị ngộ độc do hít phải khí độc, tiếp xúc với chất độc qua da và qua mắt. Tuy không phổ biến bằng con đường ăn uống, nhưng những con đường này cũng rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời. Hít phải chất độc thường là bụi, tro hoặc các khí độc từ hầm mỏ, đám cháy. Đặc biệt trong không gian kín mà có sự xuất hiện của khí độc thì sẽ rất nguy hiểm cho chó, mèo và cả người chủ nuôi vì có thể kết hợp gây ngộp.
Dấu hiệu thông thường của ngộ độc
Nếu chó mèo tiếp xúc với chất gây độc qua da hoặc các chất kích ứng da có thể gây viêm da, ăn mòn mảng da, bỏng và hoại tử mảng da. Đây là những triệu chứng thông thường và dễ thấy bằng mắt nhất khi chúng tiếp xúc với các chất gây độc qua da. Các triệu chứng kể trên khá tương tự khi chất tiếp xúc với niêm mạc. Tùy vào mức độ tiếp xúc với các chất độc hoặc các chất kích ứng có thể gây những hiệu ứng trên da khác nhau. Ví dụ như khi tiếp xúc với các chất độc cho da ở mức độ nhỏ có thể gây tấy đỏ, sưng, ngứa hoặc mất lông tại điểm đó. Có những trường hợp chó, mèo chỉ vì tiếp xúc với chất độc một lượng rất nhỏ nhưng lại gây ngứa và khó chịu khiến tụi nhỏ phải chà lưng, cào tai dẫn đến trầy xước và rụng một mảng lông lớn. Nếu tiếp xúc với lượng lớn chất độc dẫn tới tiếp xúc lan rộng hoặc khi tiếp xúc kéo dài có thể gây hoại tử da, mất lông vinh viễn, sẹo.
Đối với con đường nhiễm bằng ăn uống, các triệu chứng nhẹ và vừa có thể kể đến là buồn nôn (nhợn ói), nôn ói, tiêu chảy, biểu hiện đau bụng, sùi bọt ở miệng (nhất là với mèo). Các rối loạn trên hệ tiêu hóa có thể xảy ra rất nhanh nhưng cũng có thể rất lâu, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như giống vật nuôi, mức độ hấp thu chất độc, cường độ tiếp xúc với chất độc (nếu tiếp xúc với chất độc lâu dài thì càng nguy hiểm), thú có ăn uống gì khác không, việc sơ cứu của người chủ. Ở mức độ nặng hơn, có thể kể đến việc hoại tử các niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến sẹo hoặc tệ hơn thủng đường tiêu hóa, ví dụ như: thủng thực quản, thủng dạ dày,… Ngoài ra, khi nôn ói, chó, mèo có nguy cơ bị tràn dịch vào đường hô hấp, dẫn đến tổn thương đương hô hấp hoặc sặc.
Nếu chất độc tiếp xúc với niêm mạc mắt, có thể gây đau đớn, dụi mắt, cào mắt dẫn đến tổn thương mắt và các vùng xung quanh. Viêm kết mạc, kích ứng giác mạc, “bỏng” giác mạc, hoại tử giác mạc là các triệu chứng thường gặp sau khi tiếp xúc với chất độc nhất trong thời gian từ lập tức đến vài chục giờ đồng hồ sau (kết mạc là một lớp màng mỏng trong suốt bảo vệ tròng trắng trong khi giác mạc là lớp màng năm lớp lồi lên trên tròng đen). Các tác hại nặng hơn có thể kể đến là tổn thương không phục hồi ở mắt như mù lòa, suy giảm thị lực.
Nếu chó, mèo của bạn hít phải chất độc, thì rất có khả năng cao tụi nó sẽ ho sặc sụa, hoặc có biểu hiện khó thở. Ngoài các biểu hiện kể trên, đôi khi một số trường hợp ngộ độc có thể kết hợp với triệu chứng toàn thân, hay thần kinh như sốt, thờ ơ, phản xạ kém hoặc dễ bị kích động, nhạy cảm ánh sáng, thất điều vận động, liệt nữa thân dưới hoặc toàn thân, co giật, hôn mê,…
Các nguồn gây ngộ độc phổ biến
Mặc dù mình đã kể sơ lượt ở phía trên, nhưng để cụ thể hơn mình xin bổ sung thêm các nguồn gây độc thường có trong gia đình, đặc biệt là đối với gia đình người Việt Nam và bối cảnh tại Việt Nam:
Cơm, thức ăn thừa bị mốc có thể chứa các độc tố nấm mốc, khi người chủ cho chó, mèo mình ăn sẽ dẫn đến bị ngộ độc độc tố nấm mốc. Ngoài sơ suất cho ăn thức ăn bị nhiễm mốc ra, còn có thể do nguyên nhân là thức ăn thừa nhưng không dọn dẫn đến bị mốc.
Các chất tẩy rửa ở dạng cô đặc (không pha loãng) có thể gây kích ứng mắt, ngộ độc nếu bị chó, mèo nuốt phải. Đặc biệt, một số loại chất tẩy rửa có tính ăn mòn cao như một số loại nước rửa bồn cầu, chứa HCl có thể gây rụng lông, ăn da nếu tiếp xúc hoặc tổn thương đường tiêu hóa nếu nuốt phải.
Về thuốc thông dụng tại nhà, chó, mèo có thể ăn bậy một lượng lớn thuốc viên dẫn đến ngộ độc cấp tính. Loại thông dụng có thể gây độc tính trên mèo là paracetamol. Thuốc viên của caffeine cũng rất nguy hiểm cho chó, mèo con. Ngoài ra một số loại thuốc khác nguy hiểm cho chó, mèo có thể kể đến như: Decongestants dạng xịt, thuốc hàm lượng sắt lớn, vitamin D, một số loại thuốc an thần,… Một số chó, mèo bị ngộ độc mãn tính nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài, điều này thường xảy ra với việc chủ nuôi cho chó, mèo uống thuốc không phù hợp dẫn đến tổn thương gan, xơ gan, suy thận, vì thế trước khi muốn cho chó, mèo uống thuốc gì, dù kể cả là thuốc bổ, các chủ nuôi nên tìm hiểu kỹ và tham vấn bác sĩ thú y.
Các loại thức con người có thể sử dụng được nhưng chó, mèo không được (hoặc không nên) sử dụng. Ví dụ như: nho tươi, nho khô, sô-cô-la, tỏi và hành (ở lượng lớn), rượu và chất có cồn,…
Ảnh minh họa. Nguồn
Bả chó, đây là loại mồi các tên trộm chó thường sử dụng để đánh bẫy các chú chó có tập tính ăn các đồ ăn ngoài đường. Trong bả thường trộn hạt mã đề, hoặc cyanua, dễ dàng gây độc khi có ăn phải. Đặc biệt bả chó có vỏ bọc là các loại xúc xích, thịt rất thơm để thu hút chó.
Các loại cây cảnh trong nhà như cây trúc đào, lưỡi hổ những loại cây này có chứa một số chất độc nếu chó, mèo tò mò ăn phải lá hoặc thân cây. Ngoài ra đối với chó, có những trường hợp chúng sẽ nuốt phải động vật có độc tính trong người như ếch ở da và nội tạng, hoặc chọc phá các loài thú có nọc độc như rắn, ong, kiến,…
Nhận xét
Đăng nhận xét