Sơ cấp cứu chó - mèo khi vừa tiếp xúc chất độc (Phần II)
Ở phần trước mình đã giới thiệu cho các bạn biết một cách sơ lượt về các con đường dẫn đến gây độc nhiều nhất trên chó và mèo, đồng thời mình cũng đưa ra một vài loại chất độc thường thấy trong môi trường gia đình mà chúng ta cần nên cẩn thận. Trong phần hai này, mình sẽ hướng dẫn các bạn các cách cơ bản để sơ cứu chó, mèo trong trường hợp bị ngộ độc hoặc nhiễm độc trong trường hợp cấp bách. Chúng ta chỉ có một nguyên tắc cơ bản.
Nguyên tắc cơ bản nhất: Tránh xa nguồn ngộ độc và giảm thiểu sự có mặt của chất độc trong (hoặc trên) cơ thể chó, mèo càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt.
Nguyên tắc này là cốt yếu trong việc sơ cứu chó, mèo bị ngộ độc. Nếu tụi nó bị kích ứng do tiếp xúc với chất độc trên da, niêm mạc, mắt hãy kéo ra khỏi nguồn gây độc, rửa dưới vòi nước chảy liên tục trong ít nhất mười phút rồi đưa đi đến cơ sở thú y gần nhất. Nếu như bị ảnh hưởng từ khí độc, nếu có thể, hãy đưa chó, mèo ra khỏi vùng có khí độc (chú ý các yếu tố an toàn cho chính bản thân mình trước). Nếu chó, mèo ăn phải vật lạ hãy gây nôn (ói) để chất độc được đào thải ra ngoài. Việc tránh xa nguồn ngộ độc và giảm thiểu sự có mặt của chất độc trong (hoặc trên) cơ thể giúp hạn chế việc chất độc có thể hấp thu vào trong hệ tuần hoàn hoặc gây tác động khi tiếp xúc kéo dài, từ đó giúp giảm các tác hại đến sức khỏe chó, mèo; ngoài ra còn giúp việc chữa trị thuận tiện và giảm thiểu rủi ro hơn. Vậy tại sao càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt? Đơn giản là vì nếu phát hiện sớm, các chất độc có thể bị loại thải sớm hơn bằng các biện pháp khác nhau, hạn chế việc chất độc hấp thu vào bên trong cơ thể, việc phản ứng càng nhanh giúp giảm các tác động có hại của chất độc lên thú cưng. Trong đa phần các trường hợp ngộ độc cấp tính, thời gian gian phản ứng sơ cứu tỷ lệ nghịch với tác động xấu của chất độc lên cơ thể; thời gian phản ứng càng nhanh tác động xấu của chất độc lên cơ thể càng giảm.
Lưu ý trước khi sơ cứu
- Liên hệ các chuyên gia thú y và sẵn sàng phương tiện để đi đến các cơ sở thú y gần nhất
- Môi trường sơ cứu trong lành thoáng đãng có đủ độ sáng
- Chú ý hành vi của chó, mèo, tránh bị tấn công
- Chuẩn bị găng tay, các trang bị bảo hộ (kính chắn giọt bắn, khẩu trang,…), trang bị bảo hộ cho chó, mèo (như loa cổ, rọ mõm,…) trước khi sơ cứu
Sơ cứu khi chó mèo ăn phải chất độc
Trong phòng ngừa ngộ độc chúng ta thường có 4 phương pháp thông dụng là gây nôn (emesis), sử dụng chất pha loãng, sử dụng chất hấp phụ và cuối cùng là gây nhuận tràng. Trong thực tế sơ cấp cứu tại chỗ, có ba phương pháp thường như gây nôn, sử dụng chất pha loãng (diluents) và sử dụng chất hấp phụ. Việc sử dụng chất gây nhuận tràng thường được sử dụng ở tại cơ sở thú y. Ngoài ra có các phương pháp chuyên sâu như phẩu thuật nội soi gắp dị vật (dị vật là chất độc tiềm tàng như pin), súc ruột (enemas),… mình sẽ không bàn đến trong khuông khổ bài viết này
Gây nôn (emesis)
Là phương pháp loại bỏ chất độc có trong dạ dày. Các chất độc sẽ bị các chó, mèo nôn ra ngoài từ đó giảm thiểu lượng chất độc bị hấp thụ ở dạ dày hoặc chuyển xuống hấp thụ ở ruột non.
Trên chó, mèo, thời gian hiệu quả để gây nôn khi bị ngộ độc là từ 30 đến 90 phút sau khi nuốt phải chất độc. Gây nôn chống chỉ định (không được áp dụng) trong các trường hợp sau các chất gây kích ứng hay bào mòn mạnh đường tiêu hóa như kiềm (sút ăn da), acid đặc biệt là thực quản; đồng thời chó, mèo có thể nuốt ngược các chất này vào lại đường hô hấp dẫn đến sặc và tổn thương niêm mạc các đường hô hấp. Chó, mèo đã biểu hiện các dấu hiệu lâm sàng như khó thở, thất điều vận động, và co giật. Khi bị các triệu chứng này, các chất chứa của dạ dày có thể không được kiểm soát hiệu quả và bị tràn ngược vào đường hô hấp.
Sử dụng oxi già 3% gây nôn trên chó và mèo
Oxi già 3% (Hyrdogen peroxide 3%) có thể sử dụng để gây nôn trên chó hiệu quả. Nó hoạt động như một chất kích ứng dạ dày dẫn đến gây nôn. Liều khuyến cáo mình sẽ để trong ảnh dưới đây. Việc gây nôn bằng oxy già thường có hiệu quả hơn nếu sử dụng sau khi cho ăn một miếng bánh mỳ hay pate hộp. Nếu liều thứ nhất không gây nôn sau 5-10 phút nên sử dụng tiếp tục ở liều thứ hai. Nếu quá ba liều thứ vẫn không gây nôn nên dừng lại.
Sử dụng các chất pha loãng (diluents)
Việc sử dụng dung dịch pha loãng có thể giúp các chất độc mang tinh kích ứng cao giảm thiểu khả năng gây kích ứng hoặc tổn thương khi chó, mèo nuốt phải. Việc sử dụng chất pha loãng thường dùng cho các chất có độc tính nhẹ hoặc gây kích ứng nhẹ, như khi chó, mèo nuốt nhầm phải dầu gió, nước rửa chén dạng pha loãng, các chất kích ứng dạng acid yếu pha loãng. Dung dịch sử dụng để pha loãng thường là nước sạch. Ngoài nước sạch, sữa hoặc các chất kháng acid cũng có thể được sử dụng với tác dụng không chỉ pha loãng mà còn tạo một lớp phủ bảo vệ thành niêm mạc dạ dày khỏi bị kích ứng. Liều dùng chất pha loãng mời các bạn tham khảo bảng dưới đây
Chất hấp phụ (adsortbent)
Tiêu biểu cho chất hấp phụ là than hoạt tính (activated charcoal. Than hoạt tính hấp phụ hầu hết các hữu cơ, giảm thiểu lượng chất độc được hấp thụ vào trong cơ thể và từ đó bài thải chúng qua phân. Than hoạt tính trên thị trường hiện tại có dạng viên, bột, gel hoặc dung dịch với liều khuyến cáo theo từng nhà sản xuất. Than hoạt tính không có tác dụng hấp phụ tốt với cồn, acid mạnh, chất kiềm mạnh, bromide, kim loại nặng, dầu hỏa, xăng.
Khi đến các cơ sở thú y
Hãy nhanh chóng nói cho các nhân viên thú y biết, chó, mèo mình đã ăn phải chất độc gì để họ có phương án cụ thể. Đối với từng ca ngộ độc sẽ có các cách điều trị ngộ độc riêng, nên càng chi tiết thì càng tốt. Hãy mang theo nhãn của các chất làm chó, mèo ngộ độc (như nhãn bả chuột, lọ thuốc, giấy hướng dẫn sử dụng thuốc, vỏ chai thuốc ruồi) khi đến cơ sở thú y. Ngoài ra hãy nói với các nhân viên thú y rằng mình đã làm gì khi sơ cứu cho chó, mèo như gây nôn bao nhiêu lần, sử dụng chất pha loãng hay hấp phụ gì với liều lượng ra sao, để họ có những bước đi tiếp theo nếu các phương pháp này không hiệu quả.
Vấy nhiễm các chất kích ứng trên da
Việc đầu tiên và rất quan trọng khi sơ cứu các tình huống ngộ độc, kích ứng do chất độc trên da như mình đã nhấn mạnh phía trên là nhanh chóng rửa sạch các chất bám dính trên da bằng nước sạch. Ngoài ra các bạn có thể sử dụng thêm xà phòng để rửa trôi các chất có tính dầu mỡ vốn khó rửa sạch nếu chỉ sử dụng nước sạch. Một số loại có thể sử dụng như xà bông (lifeboy), nước rửa chén. Lưu ý hãy mang loa cổ cho chó, mèo để tránh việc chó, mèo vô tình liếm phải các chất độc, cũng như xà phòng. Nếu chất độc, chất kích ứng vẫn lưu trữ kéo dài trên bộ lông, hãy cân nhắc rửa lại nhiều lần bằng xà phòng cho chó, mèo. Nhớ lau khô tránh để chó, mèo bị lạnh. Lưu ý đa phần mèo khá là sợ nước nên sẽ vùng vẫy nếu lực nước quá mạnh và ồn, các bạn hãy cân nhắc sử dụng thau nước để rửa nhẹ nhàng và sau đó thay thau nước mới.
Vấy nhiễm các chất kích ứng trên mắt
Tương tự như trên da việc đầu tiên là rửa mắt chó, mèo bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Thời gian rửa cần ít nhất 10 phút và đôi khi có thể lên đến 20-30 phút sau đó đưa đến cơ sở thú y gần nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét