Vaccine cho chó - mèo tại Việt Nam
Vaccine(*) cho chó - mèo cũng gần giống như vaccine cho con người chúng ta vậy. Chúng là những chế phẩm làm tăng cường miễn dịch của cá thể để chống lại một mầm bệnh nhất định. Bệnh thì được gây ra bởi các tác nhân bên ngoài trong đó có các tác nhân sinh học như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng (bên cạnh các tác nhân vật lý, hóa học,… và các tác nhân ngay bên trong chúng ta). Trong thực tế, phần lớn vaccine trên chó và mèo thường dùng để phòng các bệnh truyền nhiễm mà vi khuẩn, virus là các tác nhân chính. Khi vi khuẩn và virus nhiễm vào trong cơ thể chúng ta, chúng mang các kháng nguyên (hiểu nôm na theo kiểu của mình là nguyên nhân gây ra phản ứng đề kháng) làm kích thích cơ thể sinh miễn dịch vì nhìn chung chúng là các vật thể ngoại lai. Đồng thời, hệ miễn dịch của chúng ta có tính nhớ khi chạm trán với mầm bệnh, để sau này, “lỡ” mầm bệnh có quay lại thì cơ thể chúng ta có thể đối phó nhanh hơn. Vaccine dựa trên nguyên lý này mà ra đời, nghĩa là vaccine nói chung chứa một số lượng nhỏ kháng nguyên tương đồng với mầm bệnh cần phòng chống để kích thích cơ thể sản sinh ra miễn dịch, và dễ dàng phòng chống loại mầm bệnh đó khi bị nhiễm lần sau
Hình 1. Các loại vaccine cơ bản trên chó, mèo |
Nhìn chung vaccine là những mầm bệnh đã chết, hoặc đã làm suy yếu, hoặc chỉ chứa một phần nhỏ kháng nguyên cụ thể của mầm bệnh vì thể khả năng gây bệnh của vaccine tương đối thấp hơn mầm bệnh thật sự. Trong thú y, cũng như nhân y khoa, bất kỳ liệu pháp nào cũng có rủi ro, vaccine cũng có thể gây sốc phản vệ, gây áp xe, sốt, chán ăn, bỏ ăn nhưng điều chúng ta cần làm la cân nhắc, phân tích giữa lợi ích mà vaccine mang lại với rủi ro mà liệu pháp này có thể mang đến (hãy làm điều này với bác sĩ thú y khi nghĩ đến vaccine cho chó, mèo nha). Đa phần rủi ro từ liệu pháp vaccine lại có thể phòng ngừa được nhờ theo dõi sau tiêm, tái khám định kỳ, và nhiều phương pháp khác,… trong khi việc điều trị các bệnh (mà vốn dĩ có vaccine phòng chống) lại phức tạp, tốn thời gian và kể cả chi phí.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải vaccine nào cũng cần được tiêm, mà phải tùy thuộc vào mầm bệnh hiện hữu lại thực địa (vì nếu tiêm vaccine phòng bệnh đó, bệnh đó không có mặt thì thật là tốn tiền bạc và ít hữu hiệu). Tổ chức Thú Y về Thú Nhỏ Thế Giới - WSAVA đưa ra phải niệm về core-vaccine (vaccine nòng cốt) và non-core-vaccine (vaccine không nòng cốt) để đưa ra các hướng dẫn trên tiêm phòng cho chó mèo. Vaccine nòng cốt trên chó, mèo bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng thú ở gốc độ toàn cầu (bất kể ở địa lý, . Trên chó vaccine nòng cốt giúp bảo vệ khỏi Bệnh Carré (Canine Distemper Virus ||CDV), bệnh Viêm gan truyền nhiễm (Canine adenovirus ||CAV) và bệnh parvovirus type 2 trên chó (Canine Parvovirus type 2 ||CPV-2). Trên mèo thì có bệnh feline parvovirus (FPV), feline calicivirus (FCV) và feline herpesvirus-1 (FHV-1). Các vaccine không nòng cốt là các vaccine tùy vào tình hình thực tế của địa phương mà các bác sĩ thú y khuyên nghị tiêm phòng như trên chó có Bệnh do Leptospira, ho cũi chó (hô hấp phức hợp trên chó), trên mèo thì có FLV, bệnh do Bordetella hay bệnh do Chlamydophila. Vaccine bệnh dại (Rabies) là một loại vaccine đặc biệt, vì thực tế ở Việt Nam nó là một loại vaccine nòng cốt và bắt buộc (theo pháp lệnh Thú Y Việt Nam), trong khi một số nước thì không yêu cầu tiêm ngừa trên chó, mèo.
Tóm lại, hai mục tiêu chính của tiêm vaccine là:
- Để phòng bệnh nguy hiểm cho chó và mèo, đồng thời tạo miễn dịch đàn cho quần thể vật nuôi, nghĩa là tỷ lệ thú tiêm vaccine cao có tỷ lệ miễn dịch chống lại mầm bệnh cao, có thể giúp cho những thú có không thể tiêm vaccine (do miễn dịch suy yếu, kỹ thuật tiêm sai,…) ít có khả năng nhiễm mầm bệnh hơn
- Để phòng bệnh truyền lây giữa người và động vật, tiêu biểu nhất là bệnh dại
Lứa tuổi để tiêm vaccine trên chó mèo:
Chúng ta nên hiểu sơ lượt về khái niệm kháng thể mẹ truyền (Maternally Derived Antibody) mình xin gọi tắt là MDA. MDA được hiểu đơn giản là những kháng thể được sinh ra từ mẹ, truyền qua cho con thường qua sữa đầu. Đây là những kháng thể có vai trò bảo vệ chó con, mèo con trong những thời gian đầu. Kháng thể mẹ truyền có sai số trên từng cá thể. Vì vậy nếu tiêm vaccine (một hình thức đứa kháng nguyên vào cơ thể để kích thích sinh miễn dịch như đã phân tích ở trên) quá sớm, thì MDA sẽ trung hòa các kháng nguyên có trong vaccine (dẫn đến mất hiệu lực). Nếu tiêm qua trễ thì có khi thú có khi đã mắc bệnh. Theo WSAVA thì mũi cuối khi tiêm phòng các bệnh ở chó, mèo con thường nên thực hiện xong vào lúc 16 tuần tuổi (tức là 4 tháng tuổi) để giảm thiểu tối đa tác động từ kháng thể mẹ truyền cũng như đảm bảo tính sinh miễn dịch trên chó, mèo con.
Thực tế hiện nay các nhà sản xuất đã chế tạo các loại vaccine để có thể tiêm phòng 5 - 7 bệnh nguy hiểm vào lúc chó, mèo khoảng 5-7 tuần tuổi và lặp lại (từ 3-4 tuần) cho đến ít nhất 12 tuần tuổi. Nhưng theo kinh nghiệm thực tế của mình, nên lặp lại bổ sung đến khi chó, mèo con đạt từ 16 tuần tuổi để giảm thiểu tối đa tác động từ kháng thể mẹ truyền
Ví dụ: Vaccine A có tác dụng phòng bệnh trên chó với 3 loại bệnh truyền nhiễm chính. Lứa tuổi tiêm lần đầu là 6 tuần tuổi và lặp lại mỗi 3 tuần sẽ là:
- Tiêm lần đầu vào 6 tuần tuổi
- Tiêm lần thứ hai vào 9 tuần tuổi
- Tiêm lần thứ ba vào 12 tuần tuổi
Lưu ý quan trọng: hãy dẫn chó, mèo đi vào thời điểm các bé khỏe mạnh, tâm trạng ổn định, khí trời mát mẻ. Yêu cầu bác sĩ thú y thăm khám lâm sàng trước khi tiêm ngừa (vì ở Việt Nam thực tế vẫn có tình trạng không khám mà tiêm luôn). Sau tiêm hãy nán lại tầm 5-10 phút nếu có thể, về nhà hãy tích cực theo dõi để tránh các rủi ro cho các bé.
P/s : Thật ra WSAVA còn khuyến nghị tái chủng sau 6 tháng khi cho đã hoàn thành quy trình tiêm vaccine vào lúc 4 tháng tuổi (lúc 16 tuần tuổi) để đảm bảo sinh miễn dịch hiệu quả nhất. WSAVA cũng đang hướng đến việc cách mỗi 3 năm mới tiêm vaccine một lần cho chó, mèo trưởng thành một lần, vì suy cho cùng miễn dịch có tính nhớ lâu với một số bệnh mà, tại sao phải tiêm nhiều. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai.
(*) Vaccine trong tiếng việt là vắc-xin
Tài liệu tham khảo:
THE VACCINATION GUIDELINES GROUP (of WSAVA). (2015). GUIDELINES FOR THE VACCINATION OF DOGS AND CATS. https://wsava.org/wp-content/uploads/2020/01/WSAVA-Vaccination-Guidelines-2015.pdf. Retrieved April 17, 2023, from https://wsava.org/wp-content/uploads/2020/01/WSAVA-Owner-Breeder-Guidelines-2015_1.pdf
Nhận xét
Đăng nhận xét