Một số tập tính của heo con trong chăn nuôi công nghiệp

    Nếu các bạn chưa biết, heo mẹ mang thai khoảng 3 tháng 3 tuần 3 ngày, và trong mỗi lứa đẻ của giống heo nái công nghiệp có thể đạt từ 14 đến 16 con, tuy nhiên đa phần các giống heo không mắn đẻ thì số heo con mỗi lứa đẻ có thể từ 6 đến 12 heo con. Bạn có bao giờ tò mò rằng heo con sẽ ra sau khi mới đẻ ra, liệu chúng có như con người chúng ta, cần được nuôi nấng và bảo bọc khi còn là sơ sinh? Hơn thế nữa heo con có nhiều điều thú vị về hành vi và tập tính lắm!!

    Theo quan sát thực tế của mình, heo con khi mới sinh ra trong vài phút là có thể tự đi bập bẹ được rồi, và chúng có thể thấy và nghe. Tuy có thể tự đi đứng, có thể tự bú mẹ, heo con vẫn chưa phát triển toàn diện về não bộ, khả năng điều hòa thân nhiệt. Điều này có thể minh chứng một phần khi một số heo con chết vì té xuống hệ thống thoát nước trong ô chuồng, bị heo mẹ đè, hoặc bị chết vì lạnh đơn giản do “đi lạc đàn”. Heo con thường không hay “đi lạc”, chúng có một tập tính khá hay là chúng thường ở chung với các heo con khác cùng lứa đẻ, gần gần núm vú của heo mẹ, hoặc nơi có nhiệt độ ấm áp hơn. Một số heo con dễ bị lạc đàn nhất là những đứa heo sinh sau đẻ muộn hoặc còi cọc nhất lứa đẻ, một phần vì não bộ của bọn chúng bị tổn thương do thiếu oxy khi chưa kịp đẻ ra hoặc chưa đủ phát triển về thể chất. Như mình nói ở trên heo nái công nghiệp thường đẻ rất nhiều con trong một lứa đẻ, và tỷ lệ heo con còi cọc (dưới 1 kg) cũng gia tăng liên hệ với số heo con mỗi lứa đẻ theo khi , Baxter và cộng sự (2008) đã đưa ra nhận định rằng là khả năng bú sữa mẹ và điều hòa thân nhiệt của heo còi thì không tốt bằng các heo con cùng lứa đẻ khác [1]. Tuy nhiên, các hiện tượng “đi lạc” đến chết này có thể giảm nếu có sự chăm sóc kỹ lưỡng của các nhân viên chăn nuôi, khi các heo còi cọc này được chăm sóc về mặt dinh dưỡng tốt hơn và giữ lại tránh đi “đi lạc” khỏi nguồn nhiệt, heo con cùng lứa và heo mẹ thì tỷ lệ chết sẽ giảm xuống.

    Các hoạt động của heo con thường có một phần liên kết với heo mẹ, khi heo mẹ nằm nghỉ, thì các heo con cũng nằm nghỉ, hoặc bú sữa khi heo mẹ nằm nghiêng một bên để lộ các đầu vú, hoặc khi heo mẹ đứng lên, ăn, thì chúng cũng chạy nhảy xung quanh heo mẹ. Theo khảo sát của Valros và cộng sự (2002), heo con dành đến 75% chỉ để nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi, khoảng 10% để bú sữa và 10% còn lại để tò mò, tìm hiểu xung quanh [2]

Hình 1. Heo con thích ngủ cùng nhau (ảnh minh họa). Hình ảnh được truy xuất tại đây

    Heo con cũng thích ngủ cùng nhau nữa. Một giải thích rất đơn giản là để chống lại cái lạnh ở “tuổi sơ sinh”, khi các heo co cụm lại với nhau hoặc nằm với heo mẹ, thì chúng giảm khả năng mất nhiệt do dẫn truyền hoặc đối lưu (do được heo mẹ cản lại, hoặc các heo to hơn cản bớt). Khả năng chịu lạnh kém của heo con công nghiệp là hầu hết chúng chỉ có lông mao và lớp mỡ dưới da chưa phát triển để chống mất nhiệt. Một cách đơn giản để biết heo đủ ấm là khi nhìn thấy chúng nằm ngổn ngang trên sàn chuồng một cách thoải mái, dang chân dang tay, ngược lại nếu heo nằm co cụm, 4 chân thu lại dưới bụng thì có thể là heo con đang bị lạnh. Khá giống con người đúng không các bạn.

    Khi mới sinh ra tầm khoảng 30 phút sau là heo con đã bắt đầu tìm vú mẹ để bú sữa, những heo con mới sinh đầu tiên thì sẽ hơi chậm để tìm núm vú của heo mẹ, nhưng các heo con sinh sau thì thường tìm thấy núm vú của heo mẹ nhanh hơn, “nhờ các anh kêu lại”, đúng vậy đó các bạn, các heo con sinh trước sẽ kêu lên để các “em” của mình lại bú sữa mẹ. Heo con bị thu hút bởi nhiều yếu tố, như tiếng gọi của các heo con khác, nguồn nhiệt, các bề mặt mềm và ấm, mùi của heo mẹ, một nghiên cứu khá hay theo giáo sư Julie Morrow-Tesch là khi dùng rửa bầu vú heo mẹ với các chất sát trùng hữu cơ, thì việc xác định núm vú của heo mẹ trên heo con trở nên chậm hơn do nó làm cản trở khả năng nhận biết mùi từ heo mẹ [3]. Heo con cũng thường hay tranh giành núm vú trong tời kỳ đầu, mình hay gọi là “cành nanh vú mẹ” và sau này thì núm vú heo thường được nhận biết bằng mùi tại vị trí bú sữa.

    Heo con cũng rất chơi giỡn với nhau, và thường bắt đầu khám phá thế giới ngay trong những ngày đầu tiên bằng các hoạt động như nhai, cắn, đánh hơi, chạy nhảy với các anh em cùng lứa hoặc nghịch phá heo mẹ bằng cách leo lên người heo mẹ. Các hành vi chơi giỡn với các heo con cùng lứa bắt đầu rõ rệt vào ngày 3 - 5 sau khi sinh ra và heo con đực thường nghịch phá nhiều hơn so với với con cái, và thường chơi giỡn giữa các nhóm cùng giới nhiều hơn so với khác giới. Điều này làm mình liên tưởng đến các bé trai năng động, nghịch ngợm chơi rượt bắt cùng đám bạn trai và các bé gái thì nhẹ nhàng hơn, cùng các bạn nữ khác chơi lò cò. Càng lớn heo con càng có nhiều tập tính tính liên quan đến việc vui chơi hơn chẳng hạn như chơi cá độ, đánh nhau rất tinh nghịch. Hành vi vui chơi thuở nhỏ cũng là một yếu tố đánh giá về phúc lợi trên heo, vì việc đó thể hiện rằng chúng có cảm giác an toàn, và tự tin khi thể hiện tập tính của mình, một điểm nữa là các heo con bệnh nặng thường sẽ không hay thể hiện hành vi này.

    Heo con cũng có một vài điểm khá hay khi tương tác với con người. Theo một nghiên cứu Hemsworth và cộng sự năm 1981 về hành vi của heo nái hậu bị lúc còn từ lúc 11 - 22 tuần tuổi cho thấy heo nếu được giũ một cách thô bạo sẽ thì sẽ dành ít thời gian khi tương tác với người giữ nó hơn, đồng thời con cho thấy khả năng giảm tăng trọng từ 11 - 22 tuần tuổi, và tăng nồng độ Cortisol ngay cả khi nghỉ ngơi và khi có sự xuất hiện của người giữ heo. Trong khi đó heo được vuốt ve bởi người giữ có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cũng như tăng trưởng tốt hơn [4]. Khi heo được giữ, cầm bắt một cách nhẹ nhàng và tích cực thì sẽ tăng thời gian heo tương tác với người nhân viên, ít hoảng sợ và ít tốn thời gian để bắt giữ hơn.


P/s: Trong tự nhiên hầu hết các heo con đều được thể hiện những tập tính này, trừ tương tác với loài người. Trong chăn nuôi, các giai đoạn như sơ sinh và cai sữa là những giai đoạn mang tính căng thẳng nhất của heo con, vì đặc tính trong quy trình chăn nuôi như tiêm thuốc, cắt đuôi, bấm răng, bấm tai, thiến, tiêm vaccine, chưa nói đến thay đổi môi trường sống, loại thức ăn,…


Tài liệu tham khảo: 

[1] Baxter EM, Jarvis S, D'Eath RB, Ross DW, Robson SK, Farish M, Nevison IM, Lawrence AB, Edwards SA. Investigating the behavioural and physiological indicators of neonatal survival in pigs. Theriogenology. 2008 Apr 1;69(6):773-83. doi: 10.1016/j.theriogenology.2007.12.007. Epub 2008 Feb 1. PMID: 18242685.

[2] Valros, A. E., M. Rundgren, M. Spinka, H. Saloniemi, L. Rydhmer, & B. Algers. 2002. Nursing behaviour of sows during 5 weeks lactation and effects on piglet growth. Appl. Anim. Behav. Sci. 76:93–104.

[3] Morrow-Tesch J, McGlone JJ. Sensory systems and nipple attachment behavior in neonatal pigs. Physiol Behav. 1990 Jan;47(1):1-4. doi: 10.1016/0031-9384(90)90034-2. PMID: 2326324.

[4] Hemsworth PH, Barnett JL, Hansen C. The influence of handling by humans on the behavior, growth, and corticosteroids in the juvenile female pig. Horm Behav. 1981 Dec;15(4):396-403. doi: 10.1016/0018-506x(81)90004-0. PMID: 7327535.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến