Sức khỏe tốt đến từ những hành động nhỏ

    Những ngày học cấp hai, mình từng nghĩ khi bị bệnh là do mắc phải con gì trong người để rồi nó lây lan trong cơ thể. Rồi khi tiếp cận với mô hình Tâm-Sinh-Xã trong sức khỏe (The Biospychosocial model) mình mới hiểu sâu sắc được là sức khỏe của chúng ta không chỉ ảnh hưởng từ những tác nhân sinh bệnh học (như virus, vi khuẩn, di truyền, dịch bệnh) mà còn chịu tác động cao từ chính cá nhân chúng ta. Tình trạng sức khỏe phải là tổng hòa của ba phần Tâm (nhận thức, hành vi,..) , Sinh, Xã (tầng lớp, môi trường,..). Điều này mang ý nghĩa rằng người bệnh chưa chắc là ''nạn nhân'' do những mầm bệnh bên ngoài mà có thể là ''thủ phạm hoặc đồng phạm'' tạo nên bức tranh về sức khỏe của chính bản thân mình. Nhận thức, suy nghĩ và hành vi về sức khỏe rất quan trọng đối với mỗi cá nhân, nó thể hiện việc hiểu rõ và kiểm soát bản thân mình. Và đôi khi những hành vi tùy ý thôi cũng sẽ tạo thành thói quen ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mình.

    Theo báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tỷ lệ chết từ những bệnh không lây nhiễm (Noncommunicable Diseases) ở Việt Nam (2016) như ung thư, viêm phổi mạn tính, nhồi máu cơ tim,... có liên hệ đến những hành vi cá nhân như tiêu thụ thuốc lá, lạm dụng rượu bia, hạn chế vận động, và khẩu phần ăn nhiều muối (liên quan đến đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh) [1]. Những hành vi này nếu được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra thói quen xấu cho sức khỏe. Như vậy hiểu rõ, và kiểm soát hành vi cá nhân sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế bệnh tật cũng như cải thiện sức khỏe. Ở bài viết này mình xin chia sẻ về sự chi phối của tâm trạng và thái độ đến hành vi sức khỏe mà bạn cần chú ý để có thể thay đổi hoặc tránh tạo thành thói quen xấu.

    Với mỗi người chúng ta sẽ có những nhìn nhận khác nhau trong hành vi về sức khỏe. Và không may là những hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, lười vận động, lạm dụng các chế phẩm từ đường, sử dụng thức ăn nhanh,..v.v. lại dễ tạo cho người đang thực hiện nó một cảm giác dễ chịu và xoa dịu chính chúng ta khỏi phiền muộn. Dần dần gây nên cảm giác thèm muốn hơn và lặp đi lặp lại dẫn đến việc tạo dựng những thói quen xấu. Rượu, bia, hay thậm chí đường là những chất gây nghiện, nhưng việc có thái độ đúng đắn trong việc sử dụng chúng lại phản ánh sự kiên định của chúng ta trong bảo vệ sức khỏe. Nhấn mạnh rằng thái độ của bạn đối với sức khỏe cần phải nghiêm túc. Ngoài ra việc biết được tâm trạng của mình trong tình huống đó ra sao cũng sẽ hạn chế được việc hình thành những thói quen xấu. Chẳng hạn như khi buồn và căng thẳng, con người sẽ nhu cầu được giải tỏa nó, và những hành vi thường ''quen thuộc'' nhất chính là ăn đồ ngọt hoặc hút thuốc lá. Nghiên cứu chỉ ra rằng có sự liên quan giữa việc ăn quá nhiều và béo phì với tâm trạng, như buồn chán hoặc lo âu [2]. Và nếu cá nhân đó không nhận thức được tại sao mình làm như vậy, phân tích hành vi tại thời điểm thực hiện,... mà chỉ chú trọng đến kết quả của việc giải tỏa của mình, thì rất có thể trong tương lai cá nhân đó sẽ lặp lại cách hành vi làm an dịu mình như quá khứ (vì nó sẽ được lưu vào não chúng ta và áp dụng khi cần). Lâu dần sẽ trở nên quen thói và lệ thuộc vào nó.

    Thái độ và tâm trạng là những thứ thuộc về cá nhân (hay có thể nói là chủ quan). Mỗi người có một góc nhìn khác nhau về một hành vi. Điển hình như, mình có thành kiến rất lớn đối với hút thuốc lá, mình thấy nó không tốt cho sức khỏe và túi tiền. Nhưng vẫn có người hút vì họ có những góc nhìn khác, rằng thuốc lá giúp họ giải tỏa, giúp họ tỉnh táo và sáng tạo dù biết rằng có thể nó sẽ có hại. Thích, ghét, chán,... đó là thái độ chủ quan thiếu yếu tố khách quan và nếu chúng ta không hiểu tại sao mình lại ghét hành vi này, thích hành vi kia hoặc tìm hiểu những con số, hình ảnh thuyết phục thì chúng ta sẽ không có đủ lý trí để chống lại nó. Và một lần nữa chúng ta sẽ tin vào trải nghiệm của bản thân rằng hút thuốc mang lại cảm giác thư giãn, tỉnh táo để phớt lờ đi những tác hại của nó. Nhiều người biết hút thuốc lá gây ung thư nhưng vẫn hút vì họ chưa trải nghiệm qua, họ chưa tin, cũng như không màng đến. Vì vậy không hẳn có thái độ nhất định về một hành vi mà chúng ta lại bỏ qua việc tìm hiểu kỹ càng về nó trước khi thực hiện (hoặc không thực hiện). Việc phân tích và nhận định dựa trên kiến thức khách quan về hành vi giúp bạn có thể tự đối thoại với bản thân là có nên hay không nên. Và nên nhớ mọi cách đều không hoàn hảo chỉ tương đối. Quan trọng vẫn là nhận thức chúng ta.

    Vậy làm sao hạn chế hình thành thói quen xấu? Nếu đó là một thói quen đã được thực hiện lâu dài trong quá khứ thì thật sự cần nỗ lực rất lớn từ chính cá nhân và cộng đồng. Thói quen xấu như lạm dụng rượu bia, thuốc lá, đồ ngọt một phần là ảnh hưởng của chất gây nghiện nên cần sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế. Còn đối với phương diện nhận thức cá nhân, muốn từ bỏ trước tiên phải nghiêm túc và tìm hiểu rõ về nó. Việc từ bỏ một thói quen nên có người hỗ trợ và ủng hộ một cộng đồng về việc mình đang làm sẽ là một nơi hay để thu nhận nhiều góc nhìn cũng như kiến thức. Bạn muốn từ bỏ thuốc lá sẽ có hội cai thuốc, ở đâu cũng sẽ tồn tại cộng đồng về những mảng mình cần. Bạn cũng có thể chia sẻ cho người thân, hoặc cộng đồng về những khó khăn cũng như dự định của mình.

    Còn để thiết lập một hành vi sức khỏe tốt như ngủ đúng giờ, tập thể dục, ăn uống cân bằng,...nếu xét trên hai phương diện thái độ và lý trí, thì chúng ta có những cách sau đây. Khi thái độ bạn không thích nó, chán nó (dù nó tốt cho mình) thì sẽ rất khó để thực hiện. Vì vậy hãy cố gắng thay đổi nó, bằng cách tìm ra niềm vui, điểm tích cực, điểm có lợi thực tế, sự kết nối (có những người cùng làm) cũng như tính thử thách để kích thích thực hiện. Nếu không thay đổi được thái độ, thì hãy dùng lý trí, những lập luận khoa học nhất rằng nó có lợi và thực dụng hóa hành vi (chẳng hạn như ngủ sớm giúp mình đạt hiệu quả tập trung trong công việc, học tập; mình cần giảm cân để đẹp hơn;...). Thường xuyên tự đối thoại cá nhân giữa thái độ và lý trí cũng là một phương pháp kiểm soát hành vi hiệu quả.




Nguồn tham khảo:

[1]: WHO. (2018). Noncommunicable Diseases (NCD) Vietnam profile. Ngày truy cập 01 tháng 4, 2021, từ https://bitly.com.vn/5lu40t

[2]: Minati, S. (2014). Mood, food, and obesity. Ngày truy cập 01 tháng 4, 2021, từ https://bit.ly/3s5c3gv

Nhận xét

Bài đăng phổ biến