Bệnh Lao - Bệnh của nhiều loài

[[Thông tin cơ bản về bệnh lao trên người và động vật]]

    Bệnh lao được biết đến là bệnh truyền nhiễm mãn tính của nhiều loài động vật. Ngay cả trên con người bệnh lao hiện vẫn đang là một loại bệnh gây tổn thất lớn về tính mạng cũng như kinh tế. Theo tổ chức y tế thế giới, trong năm 2021 có đến 10.6 triệu người mắc bệnh lao, 1.6 triệu người chết bởi lao, đứng thứ 13 trong các nguyên nhân gây chết trên toàn thế giới và chỉ đứng thứ 2 sau COVID-19 nếu chỉ tính các nguyên nhân truyền nhiễm [2]. Chỉ riêng tại Mỹ, trong năm 2022 có 8300 trường hợp nhiễm lao [1]. Tại Việt nam, nước chúng ta có đến 170 000 ca bệnh lao thể hoạt động (tức là có biểu hiện của bệnh), xếp hạng thứ 11 trên 30 nước có gánh nặng nhiễm lao cao và thuộc trong 27 nước chịu gánh nặng lớn về lao đa kháng thuốc [3]. Đặc điểm chính nhất của bệnh lao là sự xuất hiện những u hạt lao trong phủ tạng của động vật.

Ảnh 1: Trẻ em mắc bệnh lao ngủ ngoài trời tại trường Springfield-House-Open-Air vào năm 1932. Đây là phương án điều trị hỗ trợ từ ánh nắng và không khí trong lành cho các bệnh nhân nhí này. Suy cho cùng trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công bới M. tuberculosis

    Lao là bệnh gây nên bởi vi khuẩn thuộc bộ Actinomycetales, họ Mycobacterium, giống Mycobacterium, với nhiều chủng loài gây bệnh trên các đối tượng khác nhau. Ví dụ bệnh lao trên người do loài Mycobacterium tuberculosis, riêng M. africamum gây bệnh ở người châu Phi, M. bovis gây bệnh trên bò. Đặc tính sinh học chung của giống Mycobacterium là chúng có dạng hình que, không di động, hầu hết không sinh bào tử (M. marium và M bovis có thể có sinh bào tử) với vách tế bào giàu lipid và đặc biệt vách tế bào của chúng khá dày. Hầu hết các loài thuộc giống Mycobacterium không bắt màu gram, và thường được nhuộm bằng phương pháp Ziehl-Neelsen (ZN). M. tuberculosis (vi khuẩn gây bệnh lao cho người) bao bọc lớp màng dày giàu mycolic acid giúp chúng đề kháng khỏi sự thực bào của đại thực bào phế nang và từ đó có thể tồn tại ngay bên trong đại thực bào. Ngoài mycolic acid, lớp vách của M. tuberculosis còn có:

  • Mycoside kiểm soát tính thẩm thấu của tế bào vi khuẩn từ đó chúng có thể kháng những enzyme tan trong nước, kháng sinh, và một số thuốc sát trùng
  • Sulfolipid: cũng giúp cản sự ly giải vi khuẩn của tiêu thể khi chúng vào trong đại thực bào

    Các bạn thường nghe lao chủ yếu gây bệnh trên phổi, nhưng trong thực tế, chúng có thể xâm nhập vào máu và tùy vào nơi chung đến “ở” chúng có thể định tại đó và làm ổ lao (u hạt), ví dụ như cơ quan sinh dục, gan, da,… Các ổ lao, hay u hạt đó thực chất là những vi khuẩn Mycobacterium dạng ngưng hoạt động

    Bệnh lao trên người các bạn sẽ thường hay thấy người đó sốt nhẹ (37-38.5 độ C - đo vùng nách) ho nhiều, dai dẳng, kéo dài nhiều tuần, khi ho thì có đờm, đôi lúc lẫn máu, người bệnh thường đau. Đó là những triệu chứng đáng chú ý trên người. Còn trên động vật, chúng ta sẽ hiếm thấy các triệu chứng rõ rệt như ở người. Tuy có nhiều loài động vật mắc bệnh lao như gia súc, gia cầm, thú cưng, động vật hoang dã, chim hoang,… nhưng bò vẫn là loài mẫn cảm nhất, các thú vật gần gũi với chúng ta như chim kiểng, chó, mèo thì lại ít mẫn cảm và mắc bệnh hơn. Triệu chứng bệnh trên bò là hay ho, ho khan sau đó ho có đờm, tiếng ho dần to hơn, khi chúng chạy nhảy, uống nước lạnh, hay đứng lên, nằm xuống thì lại bị ho từng cơn. Là bệnh mãn tính trên bò nên chúng ta có thể triệu chứng này kéo dài giống như trên người. Bò có thể bị lao ở hạch bạch huyết, ở bầu vú, núm vú, hệ thống tiêu hóa (ruột, gan). Nếu lao có ở núm vú, bê (hoặc người) khi uống sữa có thể bị nhiễm lao, nếu lao ở hệ thống tiêu hóa bò có thể bị tiêu chảy. Một điểm mình thấy khá thú vị là M. bovis có thể gây bệnh cho người, nhưng thực tế M. tubeculosis (gây bệnh lao cho người) trên bò lại ít mẫn cảm, vì vậy các nhân sự làm trong lĩnh vực chăn nuôi bò cũng cần cẩn thận và đề phòng. Ngoài ra lợi dụng M. bovis có thể gây bệnh trên người cũng như có vài sự tương đồng về kháng thể, vào năm 1906, Albert Calmette và Camille Guérin đã thành công sử dụng M. bovis - khuẩn lao bò để phòng bệnh lao trên người.

Có thể chúng ta đã được tiêm vaccine về lao, có thể người thường như chúng ta hiện ít nghe nói đến lao nhưng thật tế tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện vẫn con một bệnh viện chuyên biệt để điều trị bệnh lao, đó là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. VÌ vậy, bệnh lao tại Việt Nam vẫn là một vấn đề đáng lưu ý và đề phòng!!

    Thực chất việc phòng bệnh lao trên động vật là để bảo vệ người khỏi sự cảm nhiễm của M. bovis (trên bò). Đối với các gia súc như ngựa, heo, lừa chúng thường được kiểm tra lao bằng phản ứng “quá mẫn muộn” một lần một năm, riêng bò giống (gồm đực và cái) chúng cần phải được kiểm tra lao 2 lần một năm. Những con dương tính và xuất hiện triệu chứng thì phải tiêu hủy. Sữa của gia súc mắc bệnh cần tiệt trùng bằng phương pháp pasteurise (thanh trùng). Vaccine BCG (là vaccine nhược độc chứa chủng M. bovis) là công cụ để phòng bệnh cho trên cả vật nuôi (ở các nước đang phát triển) và con người, tuy nhiên hiệu quả phòng bệnh trên động vật là không cao và có thể gây ảnh hưởng đến chẩn đoán bệnh nhằm phục vụ loại thải những con dương tính. Trên người, tại Việt Nam, vaccine phòng lao BCG được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới một tuổi, đây là một trong những bệnh mà được Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đề cập đến. Để kiểm tra tính hiệu quả của vaccine BCG và kỹ thuật tiêm chủng, chúng ta kiểm tra có sẹo BCG bắt đầu xuất hiện sau hai tuần không, tỷ lệ có sẹo là 100%, nếu không có sẹo có nghĩa là vaccine BCG không bảo vệ khỏi mầm bệnh, nói đến đoạn này mình cũng kéo tay áo trái lên và kiểm tra xem có hay không. Những cá nhân làm việc trong lĩnh vực giết mổ, chăn nuôi - thú y nên thường xuyên kiểm tra lao. Bệnh lây truyền qua đường giọt bắn khi ho hắt hơi, nên hãy đảm bảo không khí xung quanh được thông thoáng không bị bí bách.

Sau đây là một “fun fact” cho các bạn:

  1. Dù đề kháng khá tốt với một số chất sát trùng, nhưng chúng rất dễ bị bất hoạt bởi ánh sáng mặt trời trực tiếp vì tia UV trong ánh sáng mặt trời có khả năng tiêu diệt chúng ngoài môi trường. Chúng còn bất hoạt ở nhiệt độ 100 độ C, nên chúng cũng rất sợ nước sôi, hãy dùng nước sôi để lau phòng ốc của người bị bệnh lao nhé nhưng cẩn thận bỏng và các nguy cơ khác. Ngoài ra không khí trong lành, thông thoáng cũng là một vũ khí hữu hiệu chống lại M. tubeculosis và M. bovis
  2. Bệnh lao có thể có từ rất lâu đời, người ta đã tìm thấy vi khuẩn lao trong các bộ xương người cổ đại và các xác ướp Ai Cập với niên đại từ 4000-3000 năm trước công nguyên [4]
  3. Bệnh lao thường đi chung với HIV, virus HIV làm suy giảm miễn dịch, và từ đó tạo điều kiện cho lao tiềm ẩn trở thành lao hoạt động. Theo WHO, trong năm 2021 ước tính gần 400 000 người đồng nhiễm HIV và lao được ghi nhận và đặc biệt nghiêm trọng tại châu Phi [5]
  4. Việc sử dụng kháng sinh điều trị lao không đúng chỉ định của bác sĩ có thể gây ra hiện tượng lao đa kháng thuốc, khi bị nhiễm lao đa kháng thuốc rất ít kháng sinh có thể dùng điều trị, đồng thời có thể gây nhiễm lao đa kháng thuốc cho những người khác
  5. Phát hiện, chẩn đoán, điều trị lao càng sớm càng tốt, đúng chỉ định sẽ giúp tăng tỷ lễ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tái phát và mắc lao đa kháng thuốc
  6. Đờm khô có khả năng gây bệnh trong 8-10 ngày bằng đường không khí, giọt khí dung, vì thế hãy hạn chế khạc nhổ đờm ngoài nơi công cộng
Ảnh 2: Một phụ nữ trẻ ốm yếu ngồi trên ban công kế bên là cái chết (một bộ xương ma quái ôm chặt lưỡi hái và một chiếc đồng hồ cát) đang đứng cạnh cô ấy; đại diện cho bệnh lao. Màu nước của R. Cooper, ca. 1912. Nguồn ảnh: Wellcome Collection


Tài liệu tham khảo:

[1]: World Health Organization. (n.d.). Tuberculosis (TB). World Health Organization. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tuberculosis

[2]: Centers for Disease Control and Prevention. (2023, March 8). Data & Statistics. Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/tb/statistics/default.htm#:~:text=In 2022%2C 8%2C300 TB cases,2.5 cases per 100%2C000 persons).

[3]: Centers for Disease Control and Prevention. (2023, March 8). Data & Statistics. Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/tb/statistics/default.htm#:~:text=In 2022%2C 8%2C300 TB cases,2.5 cases per 100%2C000 persons).

[4]: Buzic, I., & Giuffra, V. (2020, April 30). The paleopathological evidence on the origins of human tuberculosis: A Review. Journal of preventive medicine and hygiene. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7263064/

[5]: World Health Organization. (n.d.-a). 10 facts on tuberculosis. World Health Organization. https://www.who.int/news-room/facts-in-pictures/detail/tuberculosis

Nguyễn Bá Hiên và cộng sự. (2016). Bệnh truyền lây giữa người và động vật. Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.

Hình ảnh minh họa:

Ảnh 1: Doucleff, M. (2013, July 19). Medicines to fight White Plague are losing their punch. NPR. https://www.npr.org/sections/health-shots/2013/06/05/188906912/tuberculosis-white-plague-doctors-modern-medicine

Ảnh 2: Tuberculosis: A fashionable disease?. Science Museum Blog. (2019, March 25). https://blog.sciencemuseum.org.uk/tuberculosis-a-fashionable-disease/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến