Bệnh dại vào những mùa hè
Ảnh minh họa chó dại, tranh điêu khắc từ gỗ, thời trung đại Scan từ Dobson, Mary J. (2008) Disease, Englewood Cliffs, N.J: Quercus, p. 157 ISBN: 1-84724-399-1. truy xuất từ https://upload.wikimedia.org |
Vào những ngày đầu của những tháng mùa hè, mình thường để ý rằng các ca bệnh dại (một loại bệnh truyền lây giữa động vật và người) lại gia tăng, kể cả trên động vật lẫn trên người. Vẫn chưa hiểu tại sao trong những tháng này tình hình bệnh dại lại trở nên phức tạp nữa. Nhưng cứ tầm mỗi cuối xuân đầu hè, khoa Chăn nuôi - Thú Y đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đều ra quân tiêm phòng dại cho chó, mèo ở tỉnh Long An hoặc quận Hóc Môn ((TP.HCM)). Bên cạnh đó các bạn sinh viên cùng với thầy cô cũng tuyên truyền nâng cao ý thức tiêm phòng dại cho chó, mèo, cá nhân mình thật sự thấy cảm phục mọi người vì những khó khăn từ kỹ thuật bảo quản vaccine, đến những nguy hiểm đến tính mạng mà có thể đang rình rập đến tính mạng mọi người.
Theo nguồn báo chính thống, ghi nhận hiện tại tổng đàn chó, mèo tại Việt Nam đạt gần 7 triệu con, nhưng chỉ khoảng 40% số đó được tiêm phòng (Minh, 2023) [1]. Tức nghĩa là chỉ có tầm 2,8 triệu con được tiêm phòng, còn gần đến 4,2 triệu con còn lại có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh và truyền lây bệnh sang con người. Cũng theo nguồn báo trên, từ đầu năm 2023 đến hiện tại (tháng 4 năm 2023) cả nước đã xảy ra 4 ca tử vong do bệnh dại, nghe rất đáng sợ. Vì thế nếu các bạn nào có nuôi chó, mèo hãy dẫn đến các phòng mạch thú y để tiêm ngừa cho các bé, vừa là vì sức khỏe của mình và cả các bé cún, bé mèo. (Mình không tìm được số liệu thống kê tại các chi cục thú y, cũng như trên tổng cục thống kê)
Bệnh dại còn do các động vật hoang dã lưu cữu như: dơi, gấu mèo, chồn,… Theo báo cáo của Ma và đồng sự trong ‘’**Rabies surveillance in the United States during 2020’’ cho thấy có đến 93% (4,090/4,479) số ca bệnh dại trên động vật hoang dã (Ma et al, 2022) [2]. Vì thế, các bạn nào thích đi tham gia các hoạt động ngoài trời (thường xuyên), thám hiểm các khu rừng núi, khu vực dân cư thường xuất hiện chó hoang, và thú hoang dã hãy cẩn thận khi tiếp cận với thú lạ và tốt hơn hết nên chủ động tiêm phòng vaccine bệnh dại để giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh dại. Các cá nhân làm việc với động vật cũng nên tiêm ngừa dại chủ động!! (Như bác sĩ thú y, kỹ sư chăn nuôi, các nhà tự nhiên học, nhân viên sở thú, nông dân, nhà chăn nuôi,…)
Nhận biết bệnh dại để né cũng rất quan trọng. Đa phần thú bị bệnh dại ở thể hung dữ, một số ít ở thể thầm lặng. Thời gian ủ bệnh từ 10 ngày đến 2 tháng, tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh lâu hơn, có trường hợp lên đến cả 1 năm. Thể hung hữ thì chó… hung dữ, bạn tưởng tượng chúng như những ‘’zombie’’ vậy hoặc ‘’ma cà rồng’’. Hành vi của thú thường thay đổi, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, các chuyển động, sau đó từ 1-3 ngày có hành vi cắn xé, tấn công chủ động, cắn xé cả với chủ nuôi và bản thân thú, sau đó hệ thống thần kinh dần bị tê liệt và thú chết. Còn với thể thầm lặng, các chủ nuôi có thể khó nhận ra hơn, đặc biệt trên chó cũng hay xảy ra thể thầm lặng, chó có vẻ ‘’buồn’’ hơn bình thường, sau đó liệt cơ mặt, ủ rủ, ít đi lại, hay chui vào góc tối. Có một điểm nên chú ý đến là các thú bị dại thường chảy nước bọt rất nhiều (ở cả hai thể). Virus dại sau khi tấn công lên hệ thần kinh trung ương, chúng sẽ có giai đoạn ly tâm đi từ hệ thần kinh trung ương đến tuyến nước bọt, thú thường chảy dãi nhiều do cơ nuốt của chó bị liệt, từ đây dưới vết cắn có dính nước bọt, vết cào có hình nước bọt sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lên các loài khác. Nước bọt có thể bị trẻ nhỏ dẵm lên, nếu lòng chân có vết thương có thể bị nhiễm virus, tương tự khi niêm mạc mắt hoặc vết thương hở tiếp xúc với nước bọt của thú nhiễm. Quả là một tay lợi hại!!
Những xử trí thực tế khi bị cắn:
- Khi bị cắn, tối ưu nhất là bắt giữ con thú đã cắn mình, mục đích là để theo dõi sau 10 ngày, vì thú sau khi biểu hiện bệnh (nhạy cảm, dễ kích động, cắn xé điên cuồng) thì sẽ chết từ dưới 10 ngày.
- Khi bị cắn tại các mô mềm, các vết thương xuất huyết nhỏ, giữ nguyên vết thương, hạn chế cử động, tác động tại vết thương, hạn chế nặn máu
- Tìm vòi nước gần nhất, để vết thương dưới vòi xả dòng nước liên tục, rửa nhẹ vết thương bằng xà phòng (không chà xát) trong 15 phút
- Đối với các vết thương bị cắn ngay động mạch, hoặc các vết thương có xuất huyết nhiều, cần cầm máu ngay và đến cơ sở y tế để sơ cứu và được thực hiện các liệu pháp điều trị dự phòng.
- Cần lưu ý hơn đến các vị trí cắn như đầu ngón tay, mắt, đầu, cổ, vết cắn sâu, nhiều vết cắn hơn một lúc.
- Bệnh dại là bệnh hiện chưa có thuốc chữa, chỉ có thể tiêm vaccine hoặc kháng huyết thanh phòng ngừa chủ động hoặc sau khi bị cắn. Nếu thú hoặc người đã có biểu hiện bệnh, thì tỷ lệ cứu khỏi rất thấp, tỷ lệ chết lên đến 99,99%
TÓM GỌN:
- Tiêm phòng dại cho thú nuôi
- Khi bị cắn hãy rửa nước sạch liên tục dưới vòi nước xả trong 15 phút và đi đến cơ sở y tế để được sơ cứu và tiêm phòng
- Tiêm phòng dại chủ động nếu sống trong vùng có nguy cơ, hoặc nghề nghiệp có nguy cơ
Fun fact:
- Tại sao người ta hay khuyên khi bị ‘’chó cắn, mèo cào’’ nên đi tiêm phòng dại: chó cắn thì chứa nước dãi, nước dãi có thể chứ virus rất hợp lý. Vậy tại sao mèo cào cũng có thể bị dại, tập tính loài mèo thường hay chải chuốt cho bộ lông bằng lưỡi của mình hoặc chúng hay liếm vào móng rồi dùng móng chải chuốt cho phần mà chúng không liếm được, nên virus có thể có ở bộ móng của nhà họ mèo
- Giá tiêm phòng cho chó mèo rất rẻ từ khoảng 100 000 VND/ 1 lần tiêm. Trong khi giá tiêm phòng ở người thường trên 200 000 VND/ 1 lần tiêm và có thể sẽ phải tiêm 5 lần, kháng huyết thanh thì tốn từ 700 000 VND đến tiền triệu
- Truyền thuyết ma cà rồng liệu có liên quan đến bệnh dại?? Điều đó rất có khả năng vì người bị dại rất sợ ánh sáng nên hay hoạt động về đêm, nhạy cảm với các tác nhân xung quanh, thích cắn xé, cũng như bị rối loạn cương dương, nhưng hiện mình chưa tìm được bằng chứng đủ thuyết phục
Tài liệu tham khảo:
[1] Minh Đ. (2023, March 16). Tỷ Lệ Tiêm Phòng Dại Cho Chó Mèo Chỉ đạt 40%. BAO DIEN TU VTV. Retrieved April 13, 2023, from https://vtv.vn/xa-hoi/ty-le-tiem-phong-dai-cho-cho-meo-chi-dat-40-20230316153654716.htm
[2] Ma X, Bonaparte S, Toro M, Orciari LA, Gigante CM, Kirby JD, Chipman RB, Fehlner-Gardiner C, Cedillo VG, Aréchiga-Ceballos N, Rao AK, Petersen BW, Wallace RM. Rabies surveillance in the United States during 2020. J Am Vet Med Assoc. 2022 May 5;260(10):1157-1165. doi: 10.2460/javma.22.03.0112. PMID: 35522584.
Ảnh minh họa: Scan từ Dobson, Mary J. (2008) Disease, Englewood Cliffs, N.J: Quercus, p. 157 ISBN: 1-84724-399-1. truy xuất từ https://upload.wikimedia.org
Nhận xét
Đăng nhận xét