Một số thông tin cơ bản về sức khỏe của chó bạn có thể dễ dàng kiểm tra
Hiểu về chó cưng giúp bạn có thể nhận biết sớm về những bất thường xảy ra đối với chúng. Trong chương trình để trở thành một Bác sĩ thú y, có riêng những môn để đánh giá những biểu hiện bên ngoài của một loài thú, trong đó có cả chó, vì đôi khi, những thứ biểu hiện ra bên ngoài lại có giá trị chẩn đoán ra bệnh. Tuy nhiên, bạn không cần phải trở thành một bác sĩ mới hiểu thú cưng thậm chí với mình người chủ nuôi là những người cha, người mẹ thấu hiểu chó yêu của mình nhất. Sau đây mình sẽ giới thiệu các bạn một số chỉ số sinh lý và biểu hiện bình thường của chó để bạn tham khảo đồng thời mình cũng sẽ lưu ý cho các bạn một số trường hợp nào cần nên đưa chó đi khám bệnh.
Hình 1. Tư thế ngủ bình thường của một chú chó
Nhịp tim, nhịp mạch, tần số hô hấp
Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút, nhịp mạch là số lần động mạch đập trong một phút. Các bạn có thể kiểm tra một cách rất đơn giản là lấy tay rờ vào vùng ngực của chó và đếm số lần tim đập trong một phút, hoặc với chó bạn có thể đếm số lần động mạch đập ở ngay bẹn. Ở điều kiện thể trạng thông thường nhịp tim và nhịp mạch là như nhau nên bạn đo phần nào cũng được. Chó nhỏ hoặc chó con thường có nhịp tim và nhịp mạch nhanh hơn chó lớn. Với chó nhỏ hoặc chó con nhịp tim và nhịp mạch bình thường từ 120 - 160 nhịp trong một phút, riêng với chó trên 12 kg nhịp tim và nhịp mạch thưởng chỉ ở khoảng 60 - 120.
Tần số hô hấp là số lần chó hít vào hoặc thở ra trong 1 phút, trên chó tần số hô thường nằm trong khoảng 10 - 30 lần trong một phút. Bạn có thể kiểm tra bằng cách đặt tay trước lỗ mũi của chó để đếm số lần chó thở ra nhưng cách cơ bản nhất là nhìn chuyển động của lồng ngực và đếm, số lần lồng ngực chuyển động trong một phút thường được hiểu là tần số hô hấp.
Trong trường hợp chó chạy giỡn, hoạt động thể chất, nhịp tim, mạch và tần số hô hấp thường sẽ tăng để đáp ứng với cường dộ hoạt động. Hoặc khi nhiệt độ môi trường tăng, chó cảm giác nóng thì các chỉ số này cũng tăng để giúp điều tiết thải nhiệt, hãy chú ý điều này nhé, để đảm bảo sức khỏe tốt cho chó.
Thân nhiệt, cân nặng, lông và da
Bạn có thể đo thân nhiệt chó bằng nhiệt kế và đo tại trực tràng. Thân nhiệt của chó con thường cao hơn chó trưởng thành nhưng trung bình thường ở khoảng độ 37,9°C - 39,3°C, thân nhiệt của chó có thể tăng khi hoạt động thể chất mạnh, di chuyển dưới thời tiết nóng bức, hoặc sốt khi chó bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm. Tăng thân nhiệt có thể là tạm thời, khi nhiệt độ môi trường ổn định và thú được nghỉ ngơi, tầm 30 - 45 phút thân nhiệt của chó sẽ về khoảng giá trị thông thường. Trong khi nếu chó sốt liên tục trong nhiều giờ, cần đưa đi đến phòng khám thú y. Còn đối với các trường hợp hạ thân nhiệt giảm từ 36°C - 37,3°C đa phần thường là các bệnh lý nặng nên nhìn chung bạn cần đưa đến phòng khám.
Bạn có thể dùng cân để đo cân nặng của chó, cách đo đơn giản tại nhà là bạn có thể dùng đứng lên cân dành cho người, rồi ôm chó lên đứng lên cần lần thứ hai, sau đó trừ cân nặng của bạn ra. Cân nặng phản ánh một phần chế độ ăn và sinh hoạt của chó. Đối với giống chó nhỏ cân nặng nên vào khoảng 5 - 10 kg, giống chó trung bình cân nặng khỏe mạnh nên từ 10 - 22 kg và giống chó lớn từ 25 - 45 kg, như mình đã đề cập, chỉ số cân nặng chỉ phản ánh một phần, vì vẫn có một số chó có cân nặng lớn hơn khoảng tham khảo, nhưng vì chúng nhiều cơ bắp, nên được đánh giá thể trạng tương đối tốt.
Hình 2. Trong ảnh là một chú chó thừa cân nhẹ, ảnh tư liệu
Về lông của chó, bạn nên biết được bộ lông của chó mình thuộc nhóm lông nào, như một lớp hay hai lớp, nếu hai lớp thì nhu cầu chải chuốt của chó nhiều hơn, bạn chỉ cần vuốt từ đầu đến đuôi để cảm nhận xem bộ lông của chó có mượt và có bị rụng lông nhiều không. Hơn nữa một số chó lông ngắn bạn có thể phát hiện ra các cục u của da, hay khối u bất thường trên thân thể chó. Vàbạn có thể quan sát xem coi có những tổn thương trên da như trầy xước, sần sùi nào trên da không.
Phần đầu : tai, mắt, mũi, miệng
Cách kiểm tra tai đơn giản nhất là nhìn vào lòng tai, thông thường tai sẽ không có quá nhiều ráy tai, ráy tai thường màu vàng, nâu và nâu đen. Nếu nhiều quá bạn nên vệ sinh tai cho chó để hạn chế viêm nhiễm ống tai và tai trong. Trên giống chó Poodle thường có nhiều lông tai, dẫn đến tình trạng “ẩm mốc” trong ống tai, nên cũng cần chú ý đưa đến cơ sở thú y nhổ lông tai.
Về phần mắt của chó, điều nổi trội nhất bạn nên chú ý chính là ghèn trên mắt. Khi mắt chó tạo quá nhiều ghèn, đây là dấu hiệu không tốt, có thể do môi trường quá nhiều bụi, không trong lành, thông thoáng hoặc là do một vài bệnh truyền nhiễm. Bạn cũng nên để ý đến độ ẩm của môi trường, để tránh mắt chó bị khô, nhất là giống chó Pug.
Phần mũi, là phần có thể nói là dễ nhất để kiểm tra, thời tiểu học, lúc học văn miêu tả, mình hay ghi, “cái mũi của Lucky ươn ướt” (Lucky là một chú chó mình từng nuôi), đúng vậy, gương mũi của chó nên hơi ẩm một tý, nếu quá khô cũng thể là do môi trường sống quá ít độ ẩm. Chú ý đến màu sắc của dịch mũi nếu chó có tiết ra, nó có thể là báo hiệu của kích ứng, các bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh trên đường hô hấp.
Đối với miệng có ba thứ chúng ta có thể xem được đó là độ ẩm ướt của xoang miệng, màu sắc của niêm mạc nướu và răng. Vụng miệng của chó thường khá ướt, nước bọt thường có độ sệt vừa phải tức là không quá lỏng như nước nhưng cũng không đặc sệt như “súp cua”, khi bạn thấy xoang miệng quá khô, nước bọt quá sệt hãy kiểm tra nguồn nước, nhiệt độ của môi trường, xoang miệng khô kéo dài có thể làm giảm khẩu vị ăn uống của chó, tạo cơ hội cho các vi sinh vật trong xoang miệng tấn công vào nướu và tạo các mảng bám trên răng. Màu sắc niêm mạc cũng nói lên vấn đề về sức khỏe, màu bình thường trên niêm mạc chó thường có màu hồng, một số chó có thể có sắc tố melanin ở phần nướu nên ở một số vùng bạn sẽ không thấy có màu hồng, khi niêm mạc quá nhạt hoặc có màu sắc khác như đỏ, vàng bạn cần đưa đi bệnh viện thú y. Ngoài kiểm tra niêm mạc, bạn có thể có thể nhìn xem coi răng chó có bị vôi răng không, đối với chó, nếu bị vôi răng nặng có thể gây viêm nướu triển dưỡng, làm hơi thở chó hôi.
Hình 2. Trong ảnh chú chó bị viêm chân răng nhẹ, ảnh tư liệu
Phân, nước tiểu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo
Phân của chó thường có khuông, hơi ẩm, màu sắc thường là nâu sẫm đến vàng nhưng cũng tùy thuộc vào loại thức ăn. Nếu phân quá khô đôi khi lẫn máu tươi, đó có thể là dấu hiệu của táo bón. Đôi lúc sau khi đã đi phân khuông vài lần và khi chó vận động nhiều, chó sẽ đi phân hơi lỏng sệt, điều này là bình thường do đó là phần thức ăn mà ruột già chưa kịp tái hấp thu nước. Các trường hợp đi phân lỏng, tiêu chảy thông thường nên được thăm khám từ các bác sĩ thú y, nhưng nếu đi phân lỏng do ăn quá nhiều hoặc các loại thay đổi thức ăn quá nhanh và liên tục thì bạn có thể điều chỉnh lại và theo dõi thêm tại nhà. Nước tiểu của chó có màu vàng trong, tư thế đi tiểu với chó đực là giơ chân sau và tiểu, thường sẽ tiểu ở bụi cây, gốc cây, hoặc gốc tường, sau đó đối với chó đực chúng có thể tiểu lắt nhắt để đánh giấu lãnh thổ. Với chó cái thường chúng thường ngồi gần sát mặt đất để đi tiểu.
Tinh dịch của chó có màu ngọc trai hơi đục, trong một số trường hợp có thể hơi vàng hoặc đục hơn, nhưng nếu có màu quá vàng thì đã bị lẫn nước tiểu quá nhiều. Dịch tiết âm đạo thông thường sẽ là không có màu, tuy nhiên khi có đến chu kỳ sinh sản, sẽ có hiện tượng hành kinh nên dịch tiết sẽ có máu. Các màu sắc còn lại như xanh lá cây hoặc vàng thì có thể cho thấy dấu hiệu của việc nhiễm trùng.
Vận động
Chó đi bằng bốn chân, thải nhiệt qua hơi thở, thông thường sẽ nằm che phần bụng của mình lại (hình 1). Nếu chó cảm thấy thoải mái và an toàn hơn thì sẽ nằm nghiêng hoặc đôi khi có thể nằm ngửa bụng lên. Nếu chó bạn bỗng nhiên chạy nhảy mà chỉ đi bằng ba chân hoặc khó khăn khi đi lại, nên trước tiên kiểm tra bàn chân có dính gai hoặc bị tổn thương gì không. Bình thường nếu bạn thấy chó bạn rất năng động, nhưng một - hai ngày nay bỗng nhiên có vẻ “buồn buồn” hay tỏ vẻ trầm ngâm, thiếu vận động một cách lạ kỳ hãy kiểm tra xem chó có bị đau chân hoặc sốt không và đồng thời hãy đặt lịch đến phòng khám thú y để thăm khám nha.
Ở trên là những thông tin cơ bản nhất dành cho các bạn chủ nuôi, có thể còn có nhiều tiêu chí và biểu hiện khác nữa mà mình không chú ý đề cập đến, hãy cứ thoải mái góp ý cho mình nhé. Cứ thử kiểm tra mỗi tuần một lần từ từ bạn sẽ quen và giúp chó giảm được sự khó khi được các bác sĩ thú y thăm khám.
Nhận xét
Đăng nhận xét